BLOG NGÔ QUANG HOÀ - NƠI CHIA SẺ KIẾN THỨC VỀ KINH DOANH,
PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, SỨC KHOẺ VÀ CUỘC SỐNG.
Anthony Ngo
5 thg 3, 2023
7 phút đọc
Phân tích giá trị tài sản qua các giai đoạn kinh tế Việt Nam
Nguồn: Internet
''NẮM GIỮ TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ MÌNH LÀ NGƯỜI GIÀU CÓ,
NẮM GIỮ NHỮNG TÀI SẢN SẼ CÓ GIÁ TRỊ MỚI LÀ CÁCH LÀM QUYẾT ĐỊNH TƯƠNG LAI.''
Từ ngàn xưa với nhà nông con trâu là đầu cơ nghiệp. Ngày đó có lẽ sử hữu riêng một con trâu, một mảnh ruộng là đời đời no ấm. Có lẽ những người giàu hồi đó là có nghề buôn bán và quan lại. Không có thống kê cho việc tài sản quý giá và cách sở hữu chúng. Tôi không bàn vì tôi chưa sinh ra và không có số liệu gì.
Từ trước năm 1988 ở nước ta, cái mơ ước cháy bỏng chắc là sở hữu một vài chỉ vàng. Cái tài sản quý giá nhất chúng ta cất đi là những chỉ vàng. Tôi còn nhớ do có người ở nước ngoài nên trong khoảng chục năm tiếp tế cất đi được một vài chỉ vàng, tuần nào cũng mang ra cân và trẻ già xúm lại xem có hao mòn gì không :((. Nghề nghiệp được ưa chuộng nhất là mậu dịch viên, nhà nào mà có người làm thương mại thì thôi zồi cứ là để cho thằng khác chảy nước zãi ầm ầm. Cái ngày còn thiếu đói, gạo mua phải mua thêm đủ thứ ( bo bo, sắn, bột mì,.... tuỳ theo từng giai đoạn). Tài sản lúc này chỉ là những cái đài, cái ti vi 9 inch đen trắng , cái xe đạp chứ cái nhà chẳng ai quan tâm vì nhà ai cũng giống nhà ai. Cái tài sản mà mọi người có tiền một chút tích luỹ là vàng.
Vào những năm 85-88 bắt đầu có những người được đi ănggola, algeri, nga ... mang hàng hoá về nước và cái tài sản thể hiện sự giàu có là những chiếc xe cá vàng, những chiếc xe kích. Nhìn vào những thứ đó tôi thèm khát được sở hữu lắm và luôn mong nhà mình có đủ tiền để mua. Nhìn chung giai đoạn này cái tài sản mọi người muốn có vẫn chỉ là những thứ hàng hoá mà do thông thương mang lại chứ không có gì khác trong giai đoạn trước.
Những năm từ 1988- 1992 nước ta bắt đầu mở cửa, các bác đi Đức, đi Tiệp cũng bắt đầu biết buôn lậu, nhập xe máy cũ về và cái xe máy bắt đầu là tài sản mà chũng ta hành diện. Nhà cửa cũng bắt đầu được để ý một chút nhưng chắc do một vài cao thủ nào đấy chứ đại chúng chắc chưa suy nghĩ nhiều vì đất HN vẫn rộng lắm. Một người bạn của tôi kể bố cậu ta bán 1 mảnh đất ở Thái Hà khoảng 100m2 cho người bạn thân với cái giá không bằng cái xe máy. Nhà hồi đó chỉ quanh quẩn 36 phồ phường thì còn có giá, các khu ven ven thì người ta cũng chẳng quan tâm cho lắm. Một cái xe máy 82-89 tôi đi năm 92 nhớ không nhầm thì là 9 tr ( khoảng 4,5 cây vàng) và tôi tin rằng nó có giá trị bằng cả một mảnh đất đâu đó giờ có giá chục tỷ đồng.
Sau năm 92 bắt đầu có sốt đất, chủ yếu là các biệt thự cổ. Mới sốt các gia đình bán nhà xong bất ngờ và ngất nhiều lắm. Bạn tôi năm 92 đến nói nhỏ với tôi " nhà tao bán được 100 cây vàng, đừng nói với ai nhé". Căn nhà đó là cái biệt thự Pháp cổ 2 tầng diện tích sàn trên 100 m2, mặt tiền 5-6m. Hic, giá trị = 25 cái xe máy tôi đang đi nhưng đó là 1 con số ước mơ. Sau 1 tháng bán cậu bạn kể chủ thứ nhất sang tay cho chủ thứ 2 là 200 cây và đến chủ thứ 4 là 500 cây. Hic cả đời đến lúc đó chắc đã làmd được 1,2 cây vàng mà mất một lúc ngần đấy, đau ghê chứ.
Từ năm 92- 99 là những năm dằng co như thế và cũng là khoảng rỗng kiến thức xã hội trong cuộc sống nên tôi không thể nói gì. Tôi chỉ biết rằng hồi đó làm những nghành nghề kiếm nhiều tiền hồi đó quan trọng hơn mọi thứ tài sản. Được làm bưu điện, hàng không thì thích thú phải biết. Lương cao, xe máy đẹp. Và thị trường bất động sản có lẽ nóng dần chứ không giật cục nữa. Người ta bắt đầu đi mua đất ở các vùng xa và hướng tới xây dựng trang trại chứ không ai để ý đến quá trình đo thị hoá. Nói thế hoàn toàn là do tôi cảm nhận vì hồi đó tôi có ở Hà Nội đâu mà cũng có quan tâm gì đến kinh tế đâu. Năm 1995 gia đình tôi được phân một căn nhà ở Ngọc Khánh, lúc xây lên ai đến cũng khen đẹp nhưng đều chê rằng quá xa trung tâm ( cách Hồ Gương khoảng 7km). Mới đầu tôi cũng thấy vậy, ở đó khổ ghê lắm: không có chỗ ăn đêm, đi thăm bạn bè rất xa, xung quanh còn hoang vu.... Nhưng sau khi ở khoảng 1 năm đã quen với độ xa thì tôi lờ mờ thấy rằng ở đó sẽ càng ngày càng sướng và giá đất cũng càng ngày càng tăng cao so với tôi ở ngày xưa.
Từ năm 1999 - 2001 là những năm nhà đất nóng bỏng, việc sở hữu những căn nhà dần dần khó lên. Nhưng tài sản mà nhiều người kiếm được tiền quan tâm lúc đó là có được một chiếc ô tô ưng ý. Tôi nhớ đó là giai đoạn đầu của việc xây dựng các khu đô thị mới. Việc mở cầu, mở đường và xây rộng thủ đô biến thị trường đất trở nên sôi động. Nhưng mọi người vẫn chỉ tập trung vào tìm kiếm đất chứ không ai hồi đó tin rằng ở trung tâm sướng hơn ở các khu phố cũ cả. NHững ai phải mua nhà phân nền hồi đó như ở Định Công, Linh Đàm, một số khu ở Cầu giấy thì chắc giá chỉ bằng 1 cái xe camry 2.4 ( khoảng 300- 500 triệu/ lô 80m). Tôi nghĩ rằng trong những năm này tài sản được nói nhiều đến vẫn là những tài sản bề nổi chứ không ai tính được quá trình đô thị hoá lại diễn ra mạnh thế và hay thế.
Từ năm 2003 đến này, khi ý thức được thu nhập từ công việc không làm cho tôi thoả mãn về mặt tiền bạc cũng như ý thức được sự khác biệt về giá cả giữa các khu đất trong phạm vi Hà Nội mà tôi biết làm cho tôi phân vân. Các giá trị về tài sản làm tôi đảo lộn các suy nghĩ. Cũng như vào thời điểm này đất cát được mọi người cho rằng đóng băng nhưng bất cứ ai cũng thấu hiểu sự khó khăn trong sở hữu một miếng đất. Tôi tin rằng khi này ô tô chỉ được coi là một thứ trang sức chứ không phải là tài sản quan trọng cần có. Tóm lại ở giai đoạn này con người đã ý thức rõ ràng rằng cnă nhà là tài sản quý giá và cần cố công sở hữu. Vàng hay ngoại tệ chỉ mang tính dự trữ căn bản. Tuy nhiên với tính ỳ trệ của đám đông thì việc sở hữu đất đai nhà cửa luôn bị cho là việc quá xa vời và là việc của những người nhiều tiền.
Khoảng năm 2000 tôi vẫn thường đùa với các bạn tôi rằng Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, cái gì xảy ra ở các nước hội nhập trước đây sẽ diễn ra giống hệt thôi, chỉ cần kiếm quyển sách về các giai đoạn kinh tế hồi đó mà đọc rồi diễn lại. Hic, nói phét là thế nhưng tôi cũng có làm đâu. và cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2006 làm điên dảo Việt nam, không chỉ con người thay đổi nhân sinh quan mà còn đạo đức, lối sống... còn điên hơn cả hồi sốt đất. Vào thời điểm đó tôi cũng cười khẩy cho rằng đó là sốt vớ vẩn và nếu quả bóng xịt chỉ còn lại tờ giấy lộn, không thể so sánh với bất động sản là dù đóng băng ta vẫn còn cái nhà ( chí lý quá chứ). Và hiện tại nghĩ lại kinh tế đầu tư ở tất cả các nước tiên tiến là gì, có phải chỉ là bất động sản cho một nhóm nhỏ và đại đa số người đi làm đều sở hữu cổ phiếu. Và thị trường cổ phiếu ở Việt nam còn quá mới thì có phải là tiềm năng không, cái này thì sẽ phải suy nghĩ thêm nhiều.
Tại sao tôi lại viết về sự chuyển mình của Việt Nam, để tôi nhấn mạnh rằng xã hội luôn biến động. Trong câu chuyện ngành nghề là từ cô bán mậu dịch đến cô tiếp viên hàng không đến nhà đầu tư bất động sản/ chứng khoán. Trong câu chuyện tài sản là từ chỉ vàng đến cái xe đạp, xe máy ô tô và những căn nhà. Xã hội vận động sẽ kéo theo những ngành nghề lạc hậu, những tài sản lạc hậu và nhiều câu chuyện cười trong nước mắt cũng như những tiếng cười sảng khoái. Tài sản không hằng định, nó thay đổi qua từng giai đoạn kinh tế. Giàu ở năm nay chưa chắc giàu ở năm sau.
NẮM GIỮ TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ MÌNH LÀ NGƯỜI GIÀU CÓ, NẮM GIỮ NHỮNG TÀI SẢN SẼ CÓ GIÁ TRỊ MỚI LÀ CÁCH LÀM QUYẾT ĐỊNH TƯƠNG LAI.
Nguồn: Internet
Comments
Blog | Ngô Quang Hoà | Kinh Doanh | Sức Khoẻ | Cuộc Sống | Phát Triển Bản Thân
Comments